Những tấm gương làm sáng danh Tổ quốc, quê hương

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cạn ly cà phê và kết thúc câu chuyện: “Chuyện tôi kể tuy chưa đầy đủ nhưng cũng có thể khẳng định, cộng đồng người Việt, dù có đi bốn phương trời vẫn làm sáng danh Tổ quốc, quê hương”.

nguoi-viet-nam-o-my-mot-goc-n-104291459
Bên phin cà phê Trung Nguyên, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc – người từ thủ đô Paris (Pháp) về thăm Hà Nội cho biết ông vừa sang Mỹ dự hội thảo khoa học và kể cho tôi nghe thành tựu của những nhà khoa học người Việt ở Mỹ.

Mở sổ tay, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc nói: “Đến nay, số người Việt ở Mỹ khoảng trên 3 triệu, có 15,9% tốt nghiệp đại học, 20,8% là lực lượng lao động và 10,7% là các chuyên gia. Điểm lại những thành tựu trên các lĩnh vực những năm gần đây ở Mỹ, tôi thấy một số người gốc Việt có những đóng góp lớn. Khoảng gần 300 nhà phát minh được cấp bằng sáng chế của Mỹ. Đặc biệt TS Đoàn Trung của Tập đoàn Micron ở Boise, Idaho có tới 72 bằng sáng chế”. Ông Nguyễn Văn Lộc tỏ ra tâm đắc khi thấy y tế là một trong những lĩnh vực mà những người Việt trẻ thể hiện khả năng vượt trội. Trên khắp nước Mỹ, tại những trường danh tiếng về đào tạo ngành y đều có những sinh viên Việt Nam trong áo choàng trắng đang học tập với niềm say mê, tự hào. Chỉ riêng ngành dược, số người Việt lên đến 2.500. Có nghĩa là cứ 1.000 người Mỹ gốc Việt, trung bình có 3,5 bác sĩ làm trong các cơ quan y tế – một tỷ lệ cao. Một số giáo sư tài năng người Việt có mặt ở nhiều trường y. Trong số này nổi lên TS Nghiêm Đại Đạo, người tham gia vào sáng kiến cấy ghép dịch tụy cho những bệnh nhân mắc bệnh đái đường. Ở thủ đô Washington, hằng năm các bác sĩ lại bỏ phiếu đề cử một danh sách những bác sĩ hàng đầu, trong đó có cái tên Việt Nam: TS Trịnh Đức Phương, bác sĩ chuyên khoa lây. Một vinh dự nữa đến với phòng khám của GS Nguyễn Hữu Xương ở San Diego, được Viện Y tế quốc gia (NIH) công nhận là trung tâm nghiên cứu quốc gia (NRR). Phát minh nổi tiếng của ông đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu cấu trúc protein trong căn bệnh ung thư.
Ông Nguyễn Văn Lộc còn kể, ở xứ Cờ hoa, ai cũng biết tiếng TS Eugène Trịnh, tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên gia hàng đầu tại Viện Khoa học Hàng không Mỹ tại Colarado Springs. Ông đã cùng tàu con thoi bay lên quỹ đạo Trái đất, thực hiện những thí nghiệm được đưa vào kỷ lục nghiên cứu. Trong lĩnh vực này còn phải kể thêm ông Nguyễn Mạnh Tiến, người được trao tặng một số giải thưởng cao quý, là thành viên của phòng nghiên cứu động cơ phản lực của NASA, tham gia vào hội đồng cố vấn hệ thống dữ liệu không gian CCSDS. Trong ngành công nghiệp máy bay, TS Cai Văn Khiêm cũng có nhiều bằng phát minh hiện là chủ nhiệm về công nghệ tại Công ty Chế tạo máy bay Hughes.

Ở hai bờ Đại Tây Dương đều có những học giả người Việt đứng trên bục giảng các trường đại học danh tiếng như Đại học Sorbonne ở Paris, Đại học Harvard ở Cambridge (bang Massachusetts, Hoa Kỳ)… Ngoài việc nghiên cứu, họ còn dành nhiều thời gian đóng góp vào sự thịnh vượng chung của cộng đồng người Việt. Đó là Nguyễn Mạnh Hùng ở Đại học George Mason, GS Cao Hữu Trí tại đại học bang California ở San Jose, GS Hoàng Văn Đức ở Đại học Y Nam California… Ở Canada, bà Hoàng Thiếu Quân là phụ nữ đầu tiên nhậm chức Giám đốc tài chính của Hội đồng TP Montréal. Ở Đại học Notre Dame tại South Bend Indiana, bà Lê Trãi là nữ GS, TS đầu tiên được bổ nhiệm làm giáo viên chính ngạch của ngành luật, có hơn 20 năm thâm niên trong ngành luật thương mại cùng nhiều lĩnh vực khác.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới TS Nguyễn Tuệ, chỉ trong 7 năm học đã giật được 7 tấm bằng của Viện Công nghệ Massachusetts: cử nhân vật lý, toán học, điện tử; thạc sĩ và tiến sĩ vật lý hạt nhân. Tiến sĩ vật lý hạt nhân Đoàn Liên Phùng thành lập một công ty tư vấn về năng lượng và môi trường, có 300 kỹ sư và nhà khoa học, làm việc tại 7 văn phòng ở Mỹ. Vợ chồng ông còn lập Quỹ khuyến học trị giá hơn một triệu USD, mỗi năm dành 500 suất học bổng cho sinh viên ở Việt Nam. Một ngôi sao nữa, TS Đinh Đức Hữu, người Nam Định, từ nhỏ theo cha mẹ vào sinh sống tại Rạch Giá (Kiên Giang) sau khi đỗ tú tài đã sang Mỹ học. Ông trở thành người Việt đầu tiên có bằng kỹ sư vận hành lò nguyên tử cao cấp của cơ quan hạt nhân Hoa Kỳ vào năm 1986. Báo chí Mỹ từng đăng ảnh ông chụp với Tổng thống Bill Clinton khi ông được khen thưởng về việc tham gia phá bỏ nhà máy chế bom nguyên tử của Mỹ. Công ty AIT của ông có 8 trụ sở tại Mỹ và các quốc gia khác. Năm 1997, ông về Việt Nam, góp phần xây dựng quê hương, để tâm nghiên cứu một số công trình với số vốn đầu tư lên tới 80 triệu USD (thăm dò, khai thác dầu khí, du lịch sinh thái, công nghệ thông tin và nuôi trồng thủy sản…). Ông được mệnh danh là “vua tôm”, “người yêu rừng”, triển vọng đem lại nhiều đổi thay ở nhiều địa phương trong nước.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cạn ly cà phê và kết thúc câu chuyện: “Chuyện tôi kể tuy chưa đầy đủ nhưng cũng có thể khẳng định, cộng đồng người Việt, dù có đi bốn phương trời vẫn làm sáng danh Tổ quốc, quê hương”.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *